Xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc: Doanh nghiệp xuất khẩu chuối tươi tại Đắk Lắk lo không đủ sức đáp ứng nhu cầu thị trường

Vấn đề 'đau đầu' nhất với doanh nghiệp trong câu chuyện xuất khẩu trái cây tươi sang thị trường Trung Quốc ở thời điểm này không phải là vấn đề cạnh tranh hay đầu ra, mà là có đủ sức để đáp ứng được nhu cầu thị trường hay không.

Cuối tuần vừa qua,  phóng viên VnBusiness đã có cuộc gặp và phỏng vấn trực tiếp bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Banana Brothers Farm - Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đắk Lắk bên lề Triển lãm sản phẩm nông nghiệp đặc sắc của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc được tổ chức vào cuối tuần qua tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Banana Brothers Farm là một trong những DN Việt Nam đang xuất khẩu chuối sang thị trường Trung Quốc bà Hạnh cho hay, hiện nhu cầu trái cây của thị trường thế giới rất lớn, trong đó Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rất tiềm năng cho trái cây Việt.

Từ câu chuyện xuất khẩu chuối

Theo bà Hạnh, với các mặt hàng nông sản – trái cây tươi xuất khẩu, việc tuân thủ và đảm bảo chất lượng sản phẩm là điều quan trọng nhất. Thị trường Trung Quốc cũng như Nhật, Hàn hay châu Âu, Mỹ... đều có những tiêu chuẩn quy chuẩn chung tương tự nhau về chất lượng, vi lượng thuốc bảo vệ thực vật để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

-2605-1728895897.jpg
Bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Banana Brothers Farm giới thiệu với Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Lý Cường các sản phẩm chuối xuất khẩu của doanh nghiệp tại Triển lãm sản phẩm nông nghiệp đặc sắc của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.

"Banana Brothers Farm nhận thức rõ điều này nên tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu làm đất, trồng trọt, chăm sóc chuẩn “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” và luôn tự tin xuất khẩu chính ngạch, có chỗ đứng bền vững tại thị trường quốc tế”, bà Hạnh nói với VnBusiness.

Theo bà Hạnh phân tích, nếu như các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây chỉ chú trọng các thị trường châu Âu, Mỹ... mà bỏ qua Trung Quốc thì sẽ là sai lầm lớn, bởi châu Âu, Mỹ là những thị trường có khoảng cách địa lý rất xa, câu chuyện phí cước và thời gian vận chuyển trái cây tươi luôn không hề thuận lợi. Hơn nữa, Trung Quốc được gọi là thị trường tỷ dân bởi mức tiêu thụ các mặt hàng trái cây tươi của Việt Nam rất lớn, rất tiềm năng, các thị trường trên không thể sánh cùng được.

Với người dân Trung Quốc, nếu như, sản phẩm sầu riêng được ví như vua thì chuối được ví như nữ hoàng. Đặc biệt nhu cầu tiêu thụ chuối tại đất nước này rất cao, do đó câu chuyện xuất khẩu chuối nói riêng và trái cây tươi nói chung sang nước bạn láng giềng không phải là câu chuyện cạnh tranh nữa mà là câu chuyện chúng ta có đủ sức để đáp ứng được hay không?

Bên cạnh đó, theo bà Hạnh, các đối tác là doanh nghiệp nhập khẩu tại Trung Quốc rất nhiệt tình, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam đảm bảo nguồn trái cây tươi xuất sang nước bạn nhanh nhất và tốt nhất. “Bản thân cộng đồng người tiêu dùng Trung Quốc cũng đánh giá rất cao, trân trọng các sản phẩm trái cây tươi từ Việt Nam. Do đó, tôi cho rằng xuất khẩu trái cây tươi tại Trung Quốc luôn là thị trường tiềm năng", bà Hạnh nói.

Còn ông Nguyễn Quang Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá, trái cây Việt Nam có tiềm năng rất lớn tại thị trường Trung Quốc. Điểm mạnh của chúng ta là chất lượng và hương vị đặc trưng của trái cây nhiệt đới, được trồng trong điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng đặc thù của Việt Nam. Nhiều loại trái cây như sầu riêng, xoài, thanh long, vải, nhãn, chuối... được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng từ lâu.

Đến dư địa lớn cho trái cây Việt

Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT) Nguyễn Thanh Bình cho biết, trong nửa đầu năm nay, Việt Nam là nước cung cấp chuối lớn nhất cho thị trường Trung Quốc. Đã có 420 nghìn tấn chuối của Việt Nam được xuất khẩu vào Trung Quốc, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm gần một nửa lượng chuối nhập khẩu vào thị trường này.

Cụ thể, lượng chuối nhập khẩu từ Việt Nam cao gần gấp đôi so với nước đứng sau là Philippines (222 nghìn tấn) và vượt xa các nguồn cung khác như Ecuador (123 nghìn tấn), Campuchia (131 nghìn tấn), Lào (49 nghìn tấn), Mexico (7 nghìn tấn), Thái Lan (hơn 2 nghìn tấn), Myanmar (hơn 2 nghìn tấn), Indonesia (1 nghìn tấn).

“Với tiềm năng to lớn và tốc độ tăng trưởng cao trong sản xuất nông nghiệp, Việt Nam tự tin có thể đáp ứng những yêu cầu to lớn và đa dạng của thị trường Trung Quốc hiện tại và tương lai”, ông Nguyễn Thanh Bình cho hay.

-6552-1728895897.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính giới thiệu tới Thủ tướng Lý Cường về các sản phẩm nông sản chất lượng cao của Việt Nam.

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tính đến nay, ngoài 14 loại nông sản đi theo đường chính ngạch, còn lại hầu hết mặt hàng xuất qua kênh buôn bán biên giới (tiểu ngạch). Nhu cầu tiêu thụ trái cây của thị trường Trung Quốc rất lớn và khả năng cung ứng trái cây đặc sản, chất lượng cao của Việt Nam rất dồi dào.

Cùng với đó là lợi thế về các Hiệp định thương mại song phương và đa phương mà hai nước cùng là thành viên. Ngoài ra, Việt Nam cũng là quốc gia có hơn 1.450 km đường biên giới (đường thủy, đường bộ) với Trung Quốc, nên chi phí logistics thấp, cạnh tranh hơn so với các nước. Vì vậy, hiện còn dư địa rất lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh trái cây của hai nước khai thác, phát huy.

Đáng nói, trái cây của Việt Nam mới chủ yếu xuất khẩu tới các tỉnh phía Nam Trung Quốc như Quảng Đông, Quảng Tây hay Vân Nam. Do đó, còn cả một thị trường rộng lớn ở phía Bắc Trung Quốc đang mở ra cơ hội lớn cho trái cây Việt Nam.

Để nắm bắt cơ hội thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Quang Hiếu cho rằng, rau quả Việt cần khắc phục điểm yếu về chất lượng chưa đồng đều cũng như sản lượng chưa ổn định để đáp ứng nhu cầu của các nhà nhập khẩu và phân phối lớn ở Trung Quốc. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch thương mại để phát triển bền vững và nâng cao giá trị xuất khẩu.

Để phát triển bền vững tại thị trường Trung Quốc, các chuyên gia nhấn mạnh việc doanh nghiệp Việt cần tập trung vào chất lượng, hương vị đặc trưng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi người tiêu dùng Trung Quốc nhận thấy những giá trị này, họ sẽ trở thành khách hàng trung thành, tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài của ngành trái cây Việt Nam.

Xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc được dự báo sẽ đạt từ 4,5 đến 5 tỷ USD trong cả năm 2024. Với xu hướng tăng trưởng hiện tại và nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng của thị trường Trung Quốc, các chuyên gia trong ngành đã dự đoán rau quả Việt Nam có tiềm năng đạt mốc xuất khẩu 10 tỷ USD trong tương lai.

Trích: VnBusiness.