Ngày 24.4, tại TP.Quy Nhơn, Báo Tiền Phong phối hợp với UBND tỉnh Bình Định và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức hội thảo Thúc đẩy kinh tế số khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên.
Tham dự hội thảo có khoảng 200 đại biểu đến từ Bộ TT-TT, Bộ NN-PTNT, đại diện các sở, ngành của 13 tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên, các nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số và kinh tế số…
1. Ưu đãi người có tài năng đặc biệt
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT-TT Phan Tâm cho rằng, bên cạnh những lợi thế, vùng Nam Trung bộ và Tây nguyên còn nhiều khó khăn như: Liên kết phát triển vùng còn lỏng lẻo, lúng túng, bị động; liên kết nội vùng và liên vùng chưa chặt chẽ; mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng thiếu và yếu, nhất là hạ tầng chiến lược trong đó có hạ tầng số nên chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Do đó, kinh tế số mang đến lời giải mới cho vùng duyên hải miền Trung và Tây nguyên cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Thứ trưởng Phan Tâm đề xuất các địa phương ở Nam Trung bộ và Tây nguyên tăng cường sử dụng Quỹ dịch vụ viễn thông công ích và các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ phổ cập điện thoại thông minh, phổ cập hạ tầng băng rộng đến 100% người dân. Đối với các hạ tầng phát triển mới, cần đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng chung cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp.
Các tỉnh ở Nam Trung bộ và Tây nguyên cũng cần đẩy mạnh phát triển dịch vụ số. Cách tiếp cận trong phát triển dịch vụ số là Nhà nước dẫn dắt, tập trung phổ cập nhanh, trong thời gian ngắn các tiện ích số cơ bản: đưa 100% các dịch vụ công thiết yếu (25 dịch vụ cho người dân) được cung cấp toàn trình; phổ cập danh tính điện tử; phổ cập tài khoản thanh toán số…
Các địa phương cần mạnh dạn ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt làm việc tại khu công nghiệp, trung tâm chuyển đổi số của vùng. Hình thành mỗi vùng một trung tâm chuyển đổi số, thí điểm triển khai các mô hình kinh doanh mới, dịch vụ mới.
Theo Thứ trưởng Phan Tâm, vùng Nam Trung bộ và Tây nguyên có nhiều lợi thế về năng lượng tái tạo, năng lượng xanh. Một số tỉnh ở khu vực Tây nguyên (như Đà Lạt, Lâm Đồng) có lợi thế về khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình quanh năm thấp, đây là cơ hội để phát triển hạ tầng trung tâm dữ liệu xanh, là hạ tầng để thúc đẩy công nghiệp dữ liệu, ngành công nghiệp rất có tiềm năng trong tương lai.
2. Chia sẻ nhiều mô hình, kinh nghiệm trong chuyển đổi số
Tại hội thảo, nhiều mô hình, kinh nghiệm trong chuyển đổi số đã được đại diện các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia và doanh nghiệp chia sẻ. Trong đó, đại diện Vụ Kinh tế số (thuộc Bộ TT-TT) chia sẻ bức tranh toàn cảnh về kinh tế số tại Việt Nam, cơ chế, chính sách thúc đẩy kinh tế số. Đại diện Bộ NN-PTNT chia sẻ các định hướng về chuyển đổi số nông nghiệp - lĩnh vực kinh tế then chốt của khu vực. Sở TT-TT tỉnh Bình Định chia sẻ một số vấn đề phát triển kinh tế số địa phương từ kinh nghiệm của tỉnh.
Anh Đặng Dương Minh Hoàng (gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023) chia sẻ câu chuyện về Hợp tác xã dịch vụ Nông nghiệp số Bình Phước, nơi tiên phong xây dựng mã vùng trồng cho các loại cây ăn quả, số hóa từng cây, mỗi cây là một website, một nhật ký điện tử và làm mô hình xuất khẩu chính ngạch vào thị trường các nước, đặc biệt là ASEAN và Trung Quốc…
Theo ban tổ chức, hội thảo nhằm góp phần nâng cao nhận thức về vai trò của kinh tế số, tạo ra diễn đàn trao đổi, chia sẻ những mô hình hay, kinh nghiệm tốt về phát triển kinh tế số ở khu vực, đồng thời làm cầu nối giữa các nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số với chính quyền, doanh nghiệp và người dân địa phương. Từ đó thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số nói riêng và chuyển đổi số nói chung tại khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên.
Nguồn: Diễn Đàn Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam
https://thanhnien.vn/thuc-day-kinh-te-so-o-khu-vuc-nam-trung-bo-va-tay-nguyen-185240424122341667.htm